5 Kinh nghiệm xây nhà tiết kiệm chi phí không phải ai cũng biết

Thông thường, muốn xây nhà tiết kiệm chi phí nhất thì phải chấp nhận sử dụng vật liệu giá rẻ, nhà thầu xây dựng không chuyên nghiệp; còn muốn có một căn nhà đẹp, chất lượng đảm bảo mà vẫn tiết giảm được chi phí mới là điều khó khăn. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể.

Xây nhà chắc chắn sẽ tốn kém một khoản tiền không hề nhỏ, nhưng vẫn có nhiều kinh nghiệm xây nhà tiết kiệm. Bằng cách vạch ra kế hoạch đúng đắn, quyết định thông minh và thấu đáo, bạn có thể dựng xây lên ngôi nhà mơ ước trong khoảng ngân sách dự trù.

Chia Sẻ Kinh Nghiệm Xây Nhà Tiết Kiệm Chi Phí

Dưới đây Batdongsan.com.vn chia sẻ 5 kinh nghiệm xây nhà lần đầu tiết kiệm chi phí xây nhà mà bạn có thể tham khảo và áp dụng.

1. Chọn Đất Dễ Thi Công, Xây Dựng

Phần lớn mọi người đều có sẵn đất trước khi xây nhà. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn chưa có sẵn đất, hãy cân nhắc thật kỹ càng để lựa chọn được mảnh đất dễ thi công, xây dựng. Một mảnh đất được đánh giá là thuận lợi để xây nhà không chỉ ở vị trí giao thông thuận tiện, có giấy tờ pháp lý đầy đủ mà còn nằm ở đặc điểm thổ nhưỡng, địa chất.

Hãy lựa chọn mảnh đất trống, bằng phẳng, vuông vức, nền đất tốt cho phép giảm bớt chi phí tháo dỡ, san lấp, dễ dàng tận dụng không gian thiết kế, đồng thời giảm đáng kể phần chi phí làm móng nhà.

Tốt hơn hết, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia địa chất, những người am hiểu về mảnh đất mà bạn sắp mua để tránh mua phải những khu đất sét, đất nhão, đất cát, đất có địa tầng yếu, khu vực dễ sụt lún, sạt lở, gần mạch nước ngầm, dễ ngập úng… Bởi khi xây nhà trên những nền đất này, chủ nhà bắt buộc phải gia cố móng kỹ lưỡng và tốn kém để đảm bảo sự chắc chắn cho công trình. Mặt khác, khi xây nhà, bạn nên tính đến nhu cầu phát sinh sau này để khi xây thêm tầng, thêm phòng thì không phải làm lại móng nữa.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu hệ thống thoát nước tại khu vực đó. Nếu đã có sẵn hệ thống thoát nước thì bạn sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí làm cống, ống dẫn nước.

2. Chọn Thiết Kế Nhà Tiết Kiệm Chi Phí

Thiết kế nhà tiết kiệm chi phí khác với thiết kế nhà giá rẻ. Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là cần có sự cân nhắc mẫu thiết kế nhà phù hợp, diện tích đủ dùng, số tầng hợp lý, phong cách đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ tinh tế.

Thiết Kế Với Kích Thước Tiêu Chuẩn, Càng Chi Tiết, Rõ Ràng Càng Tốt

Nhiều năm trước đây, bản vẽ thiết kế nhà ít được coi trọng. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư vẫn xây nhà mà không cần tới bản vẽ. Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đã thay đổi. Bản vẽ thiết kế chi tiết, rõ ràng không chỉ giúp chủ nhà dễ dàng hình dung ra hình dáng của ngôi nhà tương lai mà còn giúp họ tiết kiệm đáng kể chi phí nhờ vào việc:

Giúp đội thợ thi công nhanh chóng, dễ dàng hơn, tránh những sai sót không đáng có dẫn đến phải đập phá, mất thời gian, tốn nhân công, vật tư, đội chi phí.
Giúp chủ nhà dễ dàng tính toán, lựa chọn vật tư phù hợp.

Vì thế, hãy dành thời gian để trao đổi với các kiến trúc sư về bản vẽ thiết kế nhà ở. Nếu thuê chuyên gia phong thủy, hãy để kiến trúc sư và chuyên gia phong thủy làm việc trực tiếp với nhau để tránh phải sửa đổi thiết kế trong suốt quá trình thi công.

Kinh Nghiệm Xây Nhà Tiết Kiệm Chi Phí Bằng Cách Chồng Tầng

Xây nhà rộng theo chiều ngang sẽ tốn nhiều chi phí hơn cho phần mái và móng. Do vậy, nếu muốn có nhiều không gian chức năng hơn, có một cách làm nhà tiết kiệm chi phí là chồng thêm tầng. Với một gia đình tiêu chuẩn, nhà xây 2-3 tầng là lựa chọn hợp lý.

Chọn Phong Cách Đơn Giản

Lựa chọn phong cách thiết kế nhà phù hợp cũng là một kinh nghiệm xây nhà tiết kiệm chi phí được nhiều người áp dụng. Thông thường, phong cách cổ điển sẽ tốn nhiều chi phí nhân công, thời gian thi công vì có quá nhiều đường phào chỉ, hoa văn và đi kèm nội thất cổ điển. Chính vì thế, phong cách hiện đại, tối giản đã trở thành xu hướng kiến trúc trong vài năm trở lại đây. Một ngôi nhà đơn giản không đồng nghĩa là không đẹp hay kém phần sang trọng mà vẫn giúp chủ nhà tiết kiệm đáng kể chi phí hoàn thiện.

Xây Nhà Với Diện Tích Phù Hợp

Trước khi xây nhà, cần xác định nhu cầu sử dụng của gia đình, từ đó tính toán diện tích xây dựng, phân bổ số phòng cho phù hợp, tránh lãng phí. Đừng xây một ngôi nhà quá to, đồ sộ trong khi gia đình bạn chỉ sử dụng 2-3 phòng.

3. Chọn Vật Liệu Xây Nhà Tiết Kiệm

Tất nhiên, chọn liệu xây nhà tiết kiệm không có nghĩa là chọn vật liệu rẻ tiền, chất lượng kém mà là lựa chọn, đầu tư vào những thứ mang lại giá trị cao nhất cho nhà ở, tránh sử dụng quá nhiều vật liệu chỉ mang ý nghĩa trang trí hoặc chỉ mang tính chất tạm thời.

Vật liệu xây dựng ảnh hưởng rất lớn đến chi phí xây nhà, nhưng để tiết kiệm chi phí chúng ta chọn những vật liệu giá rẻ, xuất xứ không rõ ràng mà chúng ta sẽ lựa chọn vật liệu một cách khoa học.

Chọn Vật Tư Nội Hay Ngoại?

Nhiều người có tư tưởng “sính ngoại”, cho rằng các vật liệu nhập khẩu, nhãn hiệu nước ngoài mới chất lượng, làm dấy lên những tranh cãi không hồi kết về hàng nội hay hàng ngoại. Trên thực tế, nhiều loại vật tư trong nước có chất lượng tương đương vật tư ngoại nhưng giá thành rẻ hơn nhiều lần. Như vậy, trong bài toán chi phí, rõ ràng hàng nội đang chiếm ưu thế. Chỉ cần chọn đúng sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Nhà Cung Cấp Vật Tư

Thông thường, đa phần vật tư thô như cát, gạch, xi măng, đá, dây điện, ống nước… hay vật tư hoàn thiện như tủ, cửa, gạch lót sàn, sơn, thiết bị vệ sinh… đều có thể mua được với mức giá rẻ hơn nếu bạn chịu khó đi khảo giá tại một số cửa hàng vật liệu xây dựng khác nhau. Tuy nhiên, cần lựa chọn nhà cung cấp vật tư uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.

Số Lượng Vật Tư Phù Hợp

Cần xác định chuẩn loại vật liệu và số lượng tương ứng. Chỉ nên mua đúng số lượng vật tư cần sử dụng để tránh lãng phí. Bạn có thể nhờ kiến trúc sư tính toán chính xác số lượng của từng chủng loại vật tư.

4. Thời Điểm Xây Nhà

Trong số 12 tháng của năm thì tháng nào là thời điểm lý tưởng nhất để khởi công xây nhà? Hãy cùng phân tích:

  • Tháng 1, 2 là khoảng thời gian Tết Âm lịch. Lúc này, nhân công rất khan hiếm, cần tránh khởi công vì chi phí nhân công sẽ rất cao.
  • Khoảng thời gian lý tưởng để khởi công xây nhà là từ tháng 3 đến tháng 7. Thời điểm này là mùa khô, ít mưa, nếu thi công nhanh sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí nhân công.
  • Trong khi đó, tháng 8, 9, 10 mưa nhiều, quá trình thi công sẽ bị gián đoạn. Tuy vậy, trời mưa lại giúp bạn dễ dàng kiểm tra phần chống thấm và thoát nước của công trình.
  • Cuối tháng 11, 12 là thời điểm cận Tết Âm lịch, chỉ phù hợp để sửa chữa nhà.

5. Lựa Chọn Nhà Thầu Để Xây Nhà Tiết Kiệm Chi Phí

Hiện nay có rất nhiều nhà thầu xây dựng cung cấp các gói xây nhà ở với chi phí cạnh tranh. Nhận báo giá từ một số nhà thầu xây dựng và so sánh, đánh giá để tìm ra lựa chọn phù hợp nhất. Giá cả là yếu tố cần quan tâm nhưng uy tín mới là điểm mấu chốt để quyết định. Chọn được nhà thầu có tâm, có tầm đồng nghĩa rằng ngôi nhà của bạn sẽ được hoàn thành đúng thời gian dự kiến và tiết kiệm chi phí nhất. Trong hợp đồng làm việc với nhà thầu, cần đưa ra những điều khoản và cam kết về thời gian thi công, chất lượng, chi phí và bảo hành.

Tự Làm Những Việc Có Thể

Nếu có thời gian và kinh nghiệm để thực hiện một hạng mục nào đó trong quá trình thi công, bạn có thể tham gia với tư cách nhà thầu phụ cho hạng mục này. Nhờ vậy, bạn sẽ tiết kiệm một khoản phí không hề nhỏ. Hơn nữa, việc bỏ thời gian, công sức để chăm chút cho chính ngôi nhà của mình cũng sẽ khiến bạn cảm thấy vui vẻ và gắn bó với nó nhiều hơn.

Tham Khảo Kinh Nghiệm Từ Hàng Xóm

Dù là bí quyết xây nhà tiết kiệm chi phí mang tính truyền thống nhưng tham khảo ý kiến từ những người đi trước cũng mang lại hiệu quả đáng kể.

Kinh Nghiệm Xây Nhà Khi Làm Việc Với Nhà Thầu

Tham khảo các kinh nghiệm xây nhà tùy thuộc vào từng giai đoạn từ khi lên kế hoạch, trước khi xây nhà đến khi làm việc với nhà thầu hoặc cách giám sát thợ xây nhà.

Kinh Nghiệm Khi Khoán Xây Nhà

Mặc dù đã khoán cho nhà thầu trong việc xây nhà tuy nhiên chủ nhà cần theo sát để tránh được những sai sót và sửa chữa. Sau đây là 1 số kinh nghiệm khi khoán xây nhà, cách làm việc với nhà thầu:

– Chủ nhà cần nắm vững tiến độ. Cần có một bảng liệt kê công việc theo thời gia rõ ràng. Ví dụ, ngày này tuần này ngôi nhà phải làm đến đâu và làm những hạng mục nào.
– Về chuyện vật tư, mặc dù đã khoán và trong hợp đồng có ghi rõ chủng loại vật tư cũng như giá cả, tuy nhiên chủ nhà cũng cần kiểm tra tận mắt các mẫu vật tư để có phù hợp hay không trước khi đi vào thi công.
– Cần tích cực trao đổi với nhà thầu để nắm được các vấn đề cũng như đôi bên hiểu rõ nguyện vọng của nhau hơn.

Cách Giám Sát Thợ Xây Nhà

Để đảm bảo căn nhà đến giai đoạn hoàn thiện đúng với mong muốn của mình, chủ nhà cần giám sát thợ xây nhà để có thể điều chỉnh kịp thời. Sau đây là một số kinh nghiệm giám sát thợ xây nhà:

– Chủ nhà cần hiểu rõ bản vẽ thiết kế: Thông thường chủ nhà không có kinh nghiệm đọc bản vẽ, tuy nhiên có thể hỏi đơn vị thiết kế giải thích đơn giản hơn về các chi tiết quan trọng trong bản vẽ để có thể nắm sơ qua được thiết kế của từng hạng mục thi công.

– Chủ động trao đổi và tương tác với thợ xây nhà để nắm bắt được các vấn đề xảy ra trong quá trình thi công.

– Việc giám sát thợ xây nhà cần phải thực hiện ở từng giai đoạn cụ thể từ làm móng, phần tường, mái đến hoàn thiện. Vì vậy nếu không có thời gian và kinh nghiệm thì chủ nhà nên nhờ đến sự hỗ trợ của các kỹ sư có chuyên môn hoặc người có kinh nghiệm trong việc giám sát công trình xây dựng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *